Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất vụ Đông Xuân
Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của điều kiện bất thuận, bảo đảm thắng lợi sản xuất vụ Đông Xuân 2015 – 2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, chỉ đạo quyết liệt sản xuất vụ Đông Xuân.
Theo đó, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc cần tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng các giống lúa lai, lúa thuần, lúa Japonica ngắn ngày, năng suất, chất lượng và thời gian sinh trưởng dưới 135 ngày; hạn chế tối đa gieo cấy các giống lúa dài ngày; bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp để lúa trổ từ 1-20/5, trỗ tập trung từ 5-15/5.
Thời điểm gieo mạ tập trung quanh tiết lập xuân, cấy trong tháng 2 với phương thức gieo mạ nền cứng, mạ khay hoặc mạ dược dày xúc. Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng nên chỉ đạo gieo cấy sau tiết lập xuân. Đồng thời, diện tích lúa gieo thẳng trên đất vàn và vàn cao cần mở rộng tối đa diện tích; chủ động tưới tiêu, thời vụ gieo từ 10-20/2/2016 (sau Tết âm lịch).
Cùng đó, diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch cần khẩn trương làm đất, tiếp tục gieo trồng rau các loại ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Việc chuyển đổi đất trồng lúa khó tưới, đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây rau màu hiệu quả kinh tế cao cũng cần được đẩy mạnh; đặc biệt là các loại rau củ quả có khả năng tiêu thụ và bảo quản dài, có hợp đồng sản xuất, chế biến và bao tiêu.
Đối với các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu xây dựng kế hoạch cụ thể ứng phó với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn nhằm giảm tối đa thiệt hại sản xuất; kiểm tra cụ thể nguồn nước tưới; xác định vùng nguy cơ bị hạn hán… để bố trí chuyển đối cơ cấu cây trồng hợp lý.
Tại khu vực này, lịch thời vụ gieo sạ cần bố trí gọn, tập trung, cụ thể từng vùng, từng cánh đồng, theo khu vực kênh tưới để thuận lợi điều tiết nước làm đất, áp dụng tưới tiết kiệm; sử dụng các giống ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, tính chống chịu khá.
Khu vực các tỉnh Nam bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu đẩy sớm lịch xuống giống, tăng thêm diện tích xuống giống trong tháng 12 so với cùng kỳ hàng năm, hạn chế tối đa việc xuống giống trong tháng 1/2016 để hạn chế ảnh hưởng của mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại các vùng không chủ động được nước tưới cần chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mặt khác, cần theo dõi chặt chẽ tình hình xâm mặn trong và ngoài hệ thống cống; vận hành ngăn mặn, trữ ngọt, đảm bảo phân phối nước hợp lý, hiệu quả. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng giống xác nhận, giống có chất lượng cao, giảm lượng gieo sạ xuống 80 kg – 100 kg giống/ha.
Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các tỉnh phía Bắc đang tích cực chuẩn bị cho gieo cấy vụ Đông Xuân 2015 – 2016; các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ đang xuống giống lúa Đông Xuân sớm; các tỉnh Tây Nguyên đã cơ bản thu hoạch xong lúa Mùa, đang chuẩn bị gieo sạ lúa Đông Xuân; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch lúa Thu Đông khoảng 760.000/870.000 ha, lúa vụ Đông Xuân đã xuống giống được 1,3 triệu ha/1,57 triệu ha.
Dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho thấy, hiện tượng El-Nino tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4/2016 và là đợt El-Nino có cường độ mạnh tương đương năm 1997 – 1998; nền nhiệt độ trên cả nước có khả năng cao hơn trung bình từ 0,5 – 1,5 độ C. Các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; đặc biệt vùng Nam Trung bộ hạn hán, thiếu nước cho gieo cấy tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt; hiện tượng xâm nhập mặn sớm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch gieo cấy, thời vụ và cơ cấu giống, sinh trưởng và phát triển của cây trồng vụ Đông Xuân 2015 – 2016.
Các tin khác