Xử lý các kiến nghị của TCty Lương thực miền Bắc về thu mua tạm trữ muối

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị của Tổng công ty Lương thực miền Bắc về thu mua tạm trữ muối; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại văn bản 4867/VPCP-KTTH ngày 16/6/2016 về việc mua tạm trữ muối niên vụ 2016, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã triển khai các Tổ công tác trực tiếp vào làm việc tại 5 địa phương có tồn dư muối lớn nhất trên cả nước gồm: Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh và Vũng Tàu để xây dựng phương án tạm trữ.

Qua quá trình khảo sát và làm việc với các địa phương cho thấy chủ trương của Chính phủ trong việc thu mua, tạm trữ muối cho diêm dân là chính xác và kịp thời; với mục tiêu kích cầu thị trường, tạo động lực nâng đỡ giá và tiêu thụ muối tồn của diêm dân trên địa bàn và đặc biệt là thu hút được sự quan tâm và chung tay vào cuộc tìm giải pháp của chính các địa phương bằng nguồn lực tự có, không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước.

Nguyên tắc thu mua muối từ diêm dân và hợp tác xã sản xuất đã đảm bảo cho người dân được trực tiếp hưởng lợi từ chủ trương của Chính phủ. Diêm dân bán được muối trực tiếp cho doanh nghiệp, được hưởng toàn bộ lợi nhuận mà không phải qua các khâu trung gian.

Căn cứ kết quả khảo sát tình hình sản xuất, tồn dư muối trên địa bàn, điều kiện thu mua tập trung, nhu cầu thị trường…, Tổng công ty đã khẩn trương phê duyệt phương án và tổ chức thu mua theo các nguyên tắc trên.

Kết quả sau gần 2 tháng triển khai thu mua, giá muối trên các địa bàn trọng điểm đã tăng bình quân từ 100-200 đồng/kg (tăng 15-20% thời điểm trước khi có chủ trương tạm trữ), lượng muối tồn kho trong diêm dân đã giảm đáng kể, một số địa bàn không còn tồn kho trong dân. Tổng công ty đã thu mua đạt tiến độ của kế hoạch 30.000 tấn với tổng tồn kho khoảng 50.000 tấn. Diêm dân yên tâm sản xuất do có địa điểm để tiêu thụ muối thường xuyên. Các địa phương cũng khẩn trương vào cuộc, một số địa phương đã có những chính sách hỗ trợ diêm dân hiệu quả.

Chất lượng muối tồn kho thấp gây khó khăn trong tiêu thụ

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thu mua, tạm trữ, khó khăn đầu tiên và lớn nhất là chất lượng muối. Tại các tỉnh sản xuất muối lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ là Bến Tre, Bạc Liêu chất lượng muối rất thấp, lượng muối đen, muối phèn ngà chiếm từ 60-70% lượng muối tồn kho. Những loại muối này chỉ sử dụng hạn chế trong hoạt động chế biến thủy, hải sản tại địa phương, doanh nghiệp rất khó tiêu thụ số lượng lớn trong thời gian ngắn để giải phóng chòi/lán cho diêm dân tiếp tục sản xuất.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã trực tiếp làm việc với Tập đoàn hóa chất Việt Nam và một số đơn vị thành viên của tập đoàn có nhu cầu mua muối nguyên liệu phục vụ sản xuất hóa chất. Tuy nhiên, kết quả làm việc cho thấy ngay cả muối chất lượng tốt nhất do diêm dân sản xuất tại những vùng sản xuất muối công nghiệp tập trung như Ninh Thuận cũng không đáp ứng được tiêu chuẩn lý hóa để sản xuất hóa chất và khả năng thu mua tạm trữ để phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp của Tập đoàn Hóa chất là không thực hiện được.

Năm 2015 và 2016 Tổng công ty triển khai nhiệm vụ tạm trữ muối trong cùng điều kiện khó khăn: Tồn kho muối lớn, giá giảm. Lúa gạo sau thu mua tạm trữ là có thể xuất khẩu, bán tiểu ngạch hoặc tiêu thụ nội địa, nhưng muối chỉ tiêu thụ được tại thị trường nội địa với dung lượng thị trường hạn chế. Toàn bộ lượng muối thu mua tạm trữ Tổng công ty đều phải thuê kho để chứa, nhiều địa điểm không thuê được kho phải làm lán tạm chứa muối dẫn tới chi phí lớn. Số lượng thu mua lớn với thời gian tạm trữ càng dài thì chi phí thuê kho, hao hụt, lãi vay phát sinh càng tăng và dẫn đến số thua lỗ lớn do biên độ giá muối dao động thấp trong điều kiện tồn kho muối lớn và nhu cầu trên thị trường thấp.

Ngoài ra, lượng muối được tổ chức tạm trữ tại chòi/lán tạm sẽ có nguy cơ hao hụt, tổn thất rất lớn do thiên tai mưa, bão trong điều kiện Tổng công ty không thu xếp để mua được bảo hiểm hàng hóa đối với số lượng trên.

Xem xét, chỉ đạo các địa phương rà soát, quy hoạch lại sản xuất muối

Sau quá trình khảo sát và tổ chức thu mua tạm trữ muối tại các vùng sản xuất muối lớn trên cả nước, theo Tổng công ty Lương thực miền Bắc, những năm vừa qua do ảnh hưởng của việc thiếu lũ tại Đồng bằng sông Cửu Long nên nhu cầu muối cho chế biến thủy sản giảm mạnh và có khả năng tiếp tục giảm trong thời gian tới trong khi hạn hán làm gia tăng sản xuất muối trên nhiều địa bàn dẫn đến cung cầu mất cân đối, về cơ bản chất lượng muối còn thấp, không đáp ứng yêu cầu làm muối thực phẩm cũng như công nghiệp. Việc tiêu thụ muối của của diêm dân vì vậy rất khó khăn, thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng. Tạm trữ là giải pháp cấp bách, song về lâu dài Tổng công ty Lương thực miền Bắc đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo các địa phương rà soát, quy hoạch lại sản xuất muối và có phương án chuyển đổi sản xuất để người dân có sinh kế ổn định.

Về cơ chế tiêu thụ muối tạm trữ, Tổng công ty đề nghị Chính phủ cho phép chủ trương rà soát, đánh giá và xây dựng Đề án thu mua muối cho diêm dân và sản xuất, cung ứng muối I-ốt giai đoạn 2 (2016-2020), trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước tình hình khó khăn trong việc tiêu thụ muối tạm trữ năm 2015 và thực hiện nhiệm vụ tạm trữ muối niên vụ 2016, để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao là bình ổn giá muối và đảm bảo cho diêm dân có lãi, góp phần ổn định đời sống kinh tế và xã hội trên địa bàn, Tổng công ty Lương thực miền Bắc báo cáo Chính phủ cho phép trong trường hợp phát sinh thua lỗ khi thực hiện nhiệm vụ mua muối tạm trữ năm 2015, 2016, Tổng công ty Lương thực miền Bắc được sử dụng nguồn Quỹ dự phòng tài chính đến 31/12/2013 tại Tổng công ty để xử lý bù đắp. Số lỗ thực tế phát sinh (nếu có) sẽ được xác định trên cơ sở kiểm tra, thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý các kiến nghị của Tổng công ty Lương thực miền Bắc, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Chí Kiên - Chinhphu.vn

Các tin khác

Lượt truy cập: 5204049
Đặt làm trang chủLên đầu trang